Thánh Rô-béc-tô Tổ
Phụ Dòng Xi-tô
(Ngày 26-1)
Thánh
Rô-béc-tô sinh vào khoảng năm 1028 trong một gia đình quý tộc tại Champagne,
Pháp Quốc. Vì là người Pháp nên Ngài được gọi theo tiếng Pháp là Robert
de Cîteaux hay cũng còn được gọi là Robert de Molesme. Cha của Ngài tên là
Dietrich và thân mẫu của Ngài tên là Irmengard. Khi mới lên 15 tuổi, Rô-béc-tô
đã gia nhập Đan Viện Biển Đức Montier-La-Celle tại Troyes. Ngài trở thành Đan
Sĩ của Đan Viện này và sau đó được cất nhắc lên tới chức Đan Viện Phó.
Vào năm 1068,
các Đan Sĩ của Đan Viện Biển Đức Saint Michel tại Tonnerre đã bầu Cha Rô-béc-tô
làm Viện Phụ của họ. Vào năm 1071, khi các Đan Sĩ của Đan Viện vừa nêu không
chấp nhận công cuộc cải tổ Đan Viện do Ngài đề ra, thì Ngài liền trở về lại Đan
Viện Montier-La-Celle. Ngay sau đó, Ngài trở thành Viện Trưởng của Đan Viện
Saint Ayoul de Provins. Đan Viện này trực thuộc Đan Viện Montier-La-Celle và
chỉ được quản trị bởi một Viện Trưởng (Bề Trên) chứ không phải bởi một Viện
Phụ.
Vào năm 1073,
Cha Rô-béc-tô được các Ẩn Sĩ tại rừng Collan thuộc vùng Tonnerre bầu làm người
lãnh đạo tinh thần của họ. Vào năm 1075, cùng với các Ẩn Sĩ nêu trên, Ngài đã
thành lập ra Đan Viện Molesme và trở thành Viện Phụ của Đan Viện này.
Đời sống tại
Molesme rất nghiêm ngặt. Các Đan Sĩ ở đó sống rất khó nghèo và chỉ ở trong
những túp lều bằng gỗ. Các Ngài thực hiện những công việc thể xác khá vất vả và
nặng nhọc. Molesme phát triển một cách nhanh chóng, và vì thế, vào năm 1081,
Viện Phụ Rô-béc-tô cảm thấy cần phải đón nhận những tặng phẩm và những đồ dâng
cúng v.v… cho Đan Viện của mình. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Molesme
đã trở thành trung tâm điểm cũng như trở thành điểm xuất phát của một Dội Dòng
Đan Tu. Nhiều Đan Viện tự trị đã được thành lập. Trong giới cải cách, Đan Viện
Molesme nhanh chóng trở nên nổi tiếng, và được nhìn nhận như một mẫu gương.
Nhưng việc khuếch trương Đan Viện cũng dẫn tới sự tranh chấp giữa các Đan Sĩ.
Hầu hết trong các Đan Sĩ này đều coi Cluny là một mẫu gương, nhưng số khác thì
lại chủ trương đi theo đường lối của một cộng đoàn Ẩn Sĩ và Khổ Hạnh nguyên
thủy. Sự rạn nứt giữa các Đan Sĩ chủ trương cải tổ với nhóm coi cách sống của
Cluny là mẫu mực càng ngày càng trở nên rộng toác đến độ không thể cứu vãn. Vì
thế, vào năm 1094, một số Đan Sĩ đã rời bỏ Molesme để đi thành lập một Đan Viện
mới tại Savoyen với tên gọi là Đan Viện Aulps. Sự chia rẽ tại Molesme không vì
thế mà giảm bớt. Với tư cách là người lãnh đạo của nhóm cải tổ lúc ấy, Cha Phó
Bề Trên An-be-ri-cô phải đối diện với một tình hình hết sức nghiêm trọng. Nhưng
rồi, cùng với một người anh em đồng tu của mình là Stê-pha-nô Harding, và với
những Đan Sĩ muốn cải tổ khác, Cha An-be-ri-cô đã cân nhắc tới chuyện lên
đường. Cuối cùng thì 21 Đan Sĩ, trong đó cũng có cả Viện Phụ Rô-béc-tô nữa, đã
quyết định rời bỏ Molesme.
Mối tương quan
gia đình của Viện Phụ Rô-béc-tô với giới quý tộc Burgunds đã bảo đảm cho các
Đan Sĩ nêu trên một nơi trú ngụ mới, cụ thể là khu rừng Cîteaux xa xôi hẻo lánh
thuộc vùng Dijon, Pháp Quốc. Các Đan Sĩ đã hình thành nên một Đan Viện mới tại
đây, và Đan Viện này mau chóng được phê chuẩn bởi Đức Giám Mục sở tại, cũng như
được hỗ trợ cả về tài chánh lẫn pháp lý của vị hầu tước trong vùng. Ngày thành
lập Tân Đan Viện này là ngày 21 tháng 03 năm 1098, tức ngày Đại Lễ Kính Thánh
Biển Đức. Các Đan Sĩ đã đánh dấu ngày thành lập Tân Đan Viện của mình với một
buổi Phụng Vụ được cử hành hết sức long trọng.
Trong khi đó,
tại Molesme, người ta nhận ra rằng, với việc tách ra của Viện Phụ Rô-béc-tô và
những người đi theo Ngài, Đan Viện này đã đánh mất đi tầm quan trọng của mình,
và đặc biệt là đánh mất đi những khoản dâng cúng của giới quý tộc. Tân Viện Phụ
Gottfried đã phải phản ứng cũng như đã trực tiếp khẩn cầu Đức Giáo Hoàng Urban
II để nhờ Ngài can thiệp. Vào tháng 04 năm 1099, theo lệnh của Đức Giáo Hoàng,
một Hội Nghị Giám Mục cấp vùng đã được triệu tập để đưa ra quyết định về sự vụ.
Theo quyết định của Hội Nghị này, thì riêng Viện Phụ Rô-béc-tô phải nhất thiết
trở về Molesme, còn các Đan Sĩ khác thì được phép tự chọn, hoặc ở lại Cîteaux
hoặc trở về Molesme tùy ý. Viện Phụ Rô-béc-tô đã vâng theo quyết định của Hội
Nghị, và vì thế, cùng với 13 Đan Sĩ khác, Ngài đã quay trở về Molesme. Khi trở
về Molesme, Viện Phụ Rô-béc-tô lại tái đảm nhận chức vụ cũ, tức chức Viện Phụ
của Đan Viện này. Và Ngài giữ chức vụ đó cho tới khi qua đời vào ngày 17 tháng
04 năm 1111 (có tài liệu nói Ngài qua đời vào ngày 29 tháng 04 cùng năm). Khi
Ngài qua đời thì tại Đan Viện Molesme hầu như không còn có những căng thẳng hay
những tranh chấp gì nữa.
Vào năm 1220,
Tổng Công Nghị của Dòng Xi-tô đã xin Đức Thánh Cha phong Thánh cho Viện Phụ
Rô-béc-tô Molesme. Và ngay trong năm 1222, Đức Thánh Cha Honorius III đã phong
Thánh cho Ngài.
Trước tiên,
Thánh Rô-béc-tô được mừng kính vào ngày 17 tháng 04. Nhưng kể từ năm 1224 tới
năm 1964, Thánh Nhân được mừng kính vào ngày 29 tháng 04. Và kể từ năm 1965 tới
nay, Thánh Rô-béc-tô được mừng kính chung cùng với Thánh An-be-ri-cô và Thánh
Stê-pha-nô Harding vào ngày 26 tháng 01.
Giáo hội Công
giáo mừng kính ba vị Thánh nêu trên với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV. Riêng
Dòng Xi-tô và Dòng Trappit thì mừng kính các Ngài với bậc Lễ Trọng.
Lm Đa-minh
Thiệu O.Cist